Truy thu hơn 1.300 tỷ đồng tiền thuế

Theo đó, số thuế trên thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại đây như Facebook, Google, YouTube,…

Trong đó, số tiền thu được từ Facebook là 521 tỷ đồng, Google là 490 tỷ đồng, và Microsoft là 164 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản thu từ các cá nhân tự kê khai hoặc qua hoạt động truy thu, phạt (nộp chậm, né thuế) các cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin) là 498 tỷ đồng tính đến hết tháng 10/2021.

Cũng trong 10 tháng đầu năm 2021, các cục thuế trên toàn quốc đã xử lý tăng thu số tiền hơn 194 tỷ đồng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.

4109thuegooglejbew-1-15336955732631999550797-1641205429.jpeg

Trong năm 2022, ngành thuế sẽ tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, Việt Nam hiện có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay.

Nhưng vẫn chưa đủ?

Phát biểu tại buổi họp Quốc hội cách đây 3 năm, một đại biểu cho biết nếu thu đủ thuế từ Facebook và Google thì mỗi doanh nghiệp phải nộp ít nhất 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng thuế thu được trong năm 2021 vẫn còn khiêm tốn so với con số thực mà họ cần phải đóng tại Việt Nam.

Facebook và Google có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 10 năm nhưng số thuế chảy vào ngân sách Nhà nước lại vô cùng khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do họ không có pháp nhân chính thức tại Việt Nam mà chỉ hợp tác với các cá nhân, công ty tổ chức trong nước. Như vậy, khoản thuế mà Facebook và Google nộp cho Việt Nam đều là thuế nhà thầu dựa trên các hợp đồng họ ký kết chính thức với các công ty, tổ chức tại Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói ở đây là các ông lớn này chủ yếu hợp tác với các cá nhân trong nước và số lần hợp tác với doanh nghiệp ít hơn hẳn. Chính vì vậy việc thu số thuế thực tế từ Facebook và Google rất khó khăn trong nhiều năm qua.

Để giải quyết tình huống này, Việt Nam đã cho ra mắt Luật An ninh mạng năm 2018 yêu cầu các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Một năm sau chính phủ cũng cho ra mắt Luật Quản lý thuế sửa đổi yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam mà không có chi nhánh hoặc văn phòng tại đây vẫn phải nộp thuế đầy đủ. Trong trường hợp họ không nộp trực tiếp, cơ quan thuế sẽ tự động truy thu từ các cá nhân, tổ chức đang hợp với họ. Và các ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm ra soát các tài khoản của các cá nhân có hợp tác với doanh nghiệp ở nước ngoài và gửi về cho các cơ quan thuế.

Quy định này chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2020 và đến nay việc truy thu thuế từ các đối tượng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trước kia.

Tuy nhiên, một người trong ngành từng hợp tác lâu năm với Facebook và Google cho biết, “Việc thu đủ thuế từ họ là không thể, kể cả với Luật Quản lý thuế mới. Nhưng điều đó vẫn tích cực hơn so với trước. Giữa hai cái đều không tốt, chúng ta thường có xu hướng chọn cái cái không tốt ít hơn.”