Khởi nghiệp với quán café.

Thực tế là rất nhiều bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp với một quán café, và nhiều người đã trả giá đắt với bài học khởi nghiệp café này.

Tôi xin chia sẻ một số quan sát của tôi về hoạt động khởi nghiệp này, và hy vọng các bạn trẻ sẽ rút ra được điều gì đó cho mình nếu muốn khởi nghiệp với quán café.

Tôi cho rằng kinh doanh quán café hay bất kỳ hoạt động kinh doanh bán lẻ nào, thì yếu tố quyết định đó là thị trường tiêu thụ, hay cụ thể hơn đó là lượng khách đến quán hàng ngày.

Nhiều bạn trẻ khi mở quán café, chỉ tìm địa điểm mặt tiền với giá thuê mặt bằng rẻ, mà quên không chú ý yếu tố thị trường, không tính toán được khách của mình là ai, họ sẽ từ đâu đến.

Theo tôi, thì để giải quyết bài toán khách hàng, bạn có hai lựa chọn.

a) Mở quán ở nơi có sẵn khách.

Tức là tìm vị trí thuận lợi ở những nơi luôn có đông người qua lại. Chẳng hạn như các trung tâm thương mại, nơi có đông người qua lại, nơi nằm trong khu dân cư đông đúc, trên các đường nhỏ mà những người sống hai bên đường qua lại dễ dàng. Vấn đề là tại những nơi này, tiền thuê mặt bằng thường khá cao.

Mở quán tại đây bạn không phải lo việc tạo luồng khách đến quán của mình. Bạn chỉ phải lo cạnh tranh giành khách với các quán khác, nếu có quán café khác ở gần mình.

b) Mở quán ở nơi không có khách tại chỗ và xác định mình sẽ tạo luồng khách.

Tức là bạn mở quán ở những vị trí đẹp nhưng vắng người qua lại. Những nơi không có cộng đồng dân cư bao vây chung quanh, ở trong hẻm cụt, hoặc mặt tiền đường lớn và giao thông tốc độ nhanh.

Những vị trí này, chi phí thuê mặt bắng thường không quá cao, thậm chí bạn có thể tìm nơi người ta sẵn sàng cho thuê với giá rẻ nếu bạn hợp đồng lâu dài.

Mở quán ở những điểm như thế này, bạn chấp nhận phải tốn công sức, tiền đầu tư vào hoạt động cho hấp dẫn, đồng thời làm marketing thu hút khách từ những nơi khác đến.

Một ví dụ:

Trên đường tôi đi làm, tôi thường đi ngang qua một vị trí mặt tiền đường nơi đã có rất nhiều quán café với nhiều tên gọi khác nhau, được mở rồi đóng sau vài tháng.

Không biết bao nhiêu bạn trẻ đã khởi nghiệp tại địa điểm này để rồi phải ngậm ngùi đóng cửa trả mặt bằng vì không chịu nổi cảnh thua lỗ kéo dài.

Theo tôi thì vị trí ấy rơi vào trường hợp b) như đã nói ở trên. Tức là không có khách tại chỗ. Quanh khu vực quán không có cộng đồng dân cư mà chỉ có vài hộ trong hẻm cụt.

Vị trí này tuy nằm trên đường một chiều lại nằm cạnh bên một tiệm bán hoa, nơi người ta thường trưng bày hoa tràn ra lề đường, khiến cho quán café bị che khuất mất tầm mắt.

Theo tôi thì với một vị trí không có thị trường tại chỗ, và mô hình của bạn không có gì đặc biệt hấp dẫn mà bạn cũng không có hoạt động marketing gì để thu hút khách từ những nơi khác đến, thì ế ẩm là điều khó tránh khỏi.

Tôi chú ý một trường hợp, một bạn đến mở quán và thu hút được lượng khách đến khá đông hàng đêm, nhờ tổ chức ban nhạc sống và quảng bá khá tích cực.

Nhưng có lẽ là do chi phí để tổ chức ban nhạc sống và hoạt động marketing là quá lớn so với qui mô quán, nên chỉ sau một thời gian, bạn ấy cũng phải đóng cửa vì hễ ngưng ban nhạc sống thì khách cũng ngưng đến.

Vậy tóm lại, theo tôi nhằm để giảm rủi ro thì trước khi quyết định mở quán tại một địa điểm, bạn phải xác định rõ chiến lược của mình, là (a) hay (b), chứ không nên "cứ mở đại rồi tính sau".

Tất nhiên là để thành công, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, tôi chỉ xin chia sẻ một số quan sát với hy vọng nó sẽ hữu ích cho các bạn trẻ có giấc mộng khởi nghiệp với quán café.

Đỗ Hòa

(hình internet, không liên quan đến nội dung)