Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank (HoSE: LPB) - vừa bổ sung tờ trình thay đổi tên ngân hàng. Trong khi tài liệu công bố trước đó, chỉ có 1 phương án đổi tên nhưng tờ trình lần này, có 2 phương án tên cho ngân hàng.

Cụ thể, với phương án 1, ngân hàng do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT muốn đổi tên từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam.

Còn phương án 2 là đổi từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, ban lãnh đạo đề xuất Đại hội đồng cổ đông giao HĐQT toàn quyền chủ động quyết định điều chỉnh/thay đổi tên gọi mới (ngoài hai tên gọi nêu trên) nếu thấy cần thiết và/hoặc theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Năm ngoái, ngân hàng cũng đã đổi nhận diện thương hiệu, từ LienVietPostBank thành LPBank như hiện tại, trong bối cảnh Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn.

Còn với lần này, theo LPBank, việc thay đổi tên gọi nhằm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng thay đổi, phát triển bền vững nhằm nâng tầm vị thế và thương hiệu của ngân hàng thời gian tới.

Ngoài LPBank, một ngân hàng trước đó cũng đổi tên. Cụ thể, hồi cuối 2023, sau khi Petrolimex thoái toàn bộ vốn, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) cũng chính thức đổi tên thương mại thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, tên tiếng Anh là Prosperity and Growth Commercial Joint Stock Bank, viết tắt là PGBank.

ducthuy-1713022171.jpg
 

Ông Nguyễn Đức Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT LPBank

Cùng với việc đổi tên, năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 12% lên mức 427.260 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng thị trường 1 và huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng lần lượt 16% và 11%, lên mức 319.140 tỷ đồng và 317.380 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết việc thay đổi kế hoạch lợi nhuận năm 2024 nằm trong kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, tập trung tăng thu phí dịch vụ, tăng cường thu hồi nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu năm 2024 xuống dưới 1%.

Ngoài ra, LPBank còn trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá, sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định. Thời gian chào bán và các thông tin chi tiết khác vẫn chưa được công bố.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, LPBank dự kiến không chia cổ tức trong 3 năm tới nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Giữa năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho LPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ được đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua. 

Cụ thể, Ngân hàng phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19% đồng thời phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, vốn điều lệ của LPBank được điều chỉnh tăng từ hơn 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng. Với việc tăng vốn điều lệ, LPBank duy trì top các ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.