profile-bau-duc-ky-9-1-1664500629.jpg

Bầu Đức lại lạc quan về một mảng kinh doanh mới như lúc bắt đầu làm cao su

Kết thúc năm 2014, chỉ số tài chính của HAGL tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ khi doanh thu tăng 11% đạt 3.054 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng 16% đạt 1.556 tỷ đồng. Và đây cũng là tăng trưởng cuối cùng của tập đoàn, trước khi Bầu Đức rơi vào "nốt trầm" nặng nề nhất sự nghiệp. Đầu năm 2015, vị doanh nhân này vẫn còn rất lạc quan về một năm khởi sắc của HAGL, giống như tính cách từ trước đến nay của ông. 

Tại Đại hội cổ đông năm 2015, Ba Đức đã đưa ra kế hoạch kinh doanh với mức tổng doanh thu 5.347 tỷ, tăng "khủng" lên đến 75% so với năm trước đó, và lợi nhuận trước thuế tăng thêm 18,4% ở mức 2.100 tỷ. Đặc biệt, đại hội đã tiết lộ về lĩnh vực được dự báo sẽ góp đóng gần 50% doanh thu của cả tập đoàn, đã khiến cho cổ đông và giới truyền thông vô cùng bất ngờ. Đó không phải là cao su - giống cây được kỳ vọng nhiều nhất và đầu tư lớn nhất, hay mía đường - lĩnh vực đem lại ngọt ngào trong hai năm qua, mà là một mảng hoàn toàn mới từ trước đến nay: chăn nuôi bò.

"Lãi hơn cả bất động sản thời cực thịnh", đây là lời Bầu Đức phát biểu về việc đầu tư cho đàn bò của mình. HAGL bước vào lĩnh vực chăn nuôi kể từ tháng 6/2014, sau khi ký kết hợp tác chiến lược với công ty hàng đầu về lĩnh vực chế biến thực phẩm tươi sống - VISSAN và công ty sữa - Nutifood. Cụ thể, HAGL phải đầu tư 6.300 tỷ đồng để nuôi tổng cộng 236.000 con bò, trên diện tích 3.400ha đất trồng cỏ và 600ha để xây dựng hạ tầng. Còn phía VISSAN và Nutifood sẽ xây dựng nhà máy để bao tiêu toàn bộ sản lượng thịt và sữa do Bầu Đức cung cấp. Thời điểm đó, ông Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ rằng mình đã chủ động được 70% nguồn thức ăn cho bò từ từ bắp, bã mía, cành cọ dầu và cỏ voi trồng được tại diện tích đất 88.000ha của tập đoàn. Ông còn cho biết là phân bò cũng có thể đem về cả tỷ đồng để bù vào chi phí nhân công. 

profile-bau-duc-ky-9-2-1664500881.jpg

Đàn bò hàng trăm nghìn con đem lại niềm hy vọng cho Bầu Đức

Trong năm 2015, HAGL đã nhập về 130.000 con bò, chiếm gần 50% so với tổng 250.000 con theo kế hoạch giai đoạn 2015 - 2016. Vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm, tập đoàn đã cung cấp cho VISSAN 300 con bò theo như ký kết hợp đồng vào năm trước. Tưởng chừng đây sẽ là khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác “đẹp như mơ” giữa hai ông lớn của thị trường, nhưng không ai ngờ rằng lần đầu này cũng chính là lần cuối. Tháng 6/2015, đại diện của hai bên đã gặp nhau chỉ để thanh lý hợp đồng. Mặc dù phía Bầu Đức đã lên tiếng về việc mong muốn được tiếp tục cung cấp thịt cho VISSAN, nhưng công ty này đã nói “không” vì khối lượng bò của HAGL chưa đủ mang lại hiệu quả kinh tế. Và từ đó đến nay chưa có thương vụ nào giữa hai bên. Tuy mất đi một đối tác lớn, nhưng Bầu Đức vẫn tìm được đầu ra cho đàn bò của mình là những lò mổ tư nhân lớn, và có được nguồn doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2015, mảng chăn nuôi bò đem về cho HAGL 2.541 tỷ đồng chiếm 41% trong cơ cấu doanh thu của cả tập đoàn, lợi nhuận gộp là 743 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp là 29%.

Cũng trong năm này, một công ty con của HAGL chính là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) cũng chính thức được niêm yết trên sàn Hose vào ngày 20/7/2015. Công ty sẽ quản lý các hoạt động kinh doanh nông nghiệp của tập đoàn bao gồm: cao su, cọ dầu, mía đường và chăn nuôi bò. Đầu năm dự báo khả quan, giữa năm niêm yết công ty con, nhưng đến cuối năm vô cùng hụt hẫng vì giảm sút tệ hại.

Bầu Đức bắt đầu rơi vào vòng xoáy nợ nần

profile-bau-duc-ky-9-4-1664501563.jpg

HAGL suy thoái vì vay mượn nợ để "gánh" cao su

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015, HAGL ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ đạt 6.252 tỷ đồng, vượt qua mức chỉ tiêu đề ra đầu năm hơn 16%. Thu nhiều nhưng chi ra cũng rất nhiều, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của tập đoàn chỉ ở mức 602 tỷ, suy giảm đến 60% so với năm trước và chỉ đạt 36,8% kế hoạch đề ra. Trong đó, cao su tiếp tục là một “nỗi thất vọng” của Bầu Đức khi doanh thu giảm từ 227 tỷ đồng về mức 196 tỷ đồng, đóng góp 3% vào cơ cấu của cả tập đoàn. Với gần 39.000ha cao su trong tay, Ba Đức không dám cho khai thác nhiều vì càng làm lỗ, giá thành sản xuất gần bằng với giá bán ra chưa bao gồm các chi phí khác. Cao su từng được mong đợi là lĩnh vực mũi nhọn của HAGL và đem lại nguồn tiền lớn nhất cho tập đoàn. Nhưng giờ đây, cao su đã tiêu tốn của Bầu Đức hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2015, và kết quả là đóng góp không được bao nhiêu vào nguồn thu, trở thành gánh nặng của cả công ty.

Dự án mía đường được đầu tư hơn trăm triệu đô và đóng góp hơn 30% doanh thu trong hai năm qua, thì nay đã giảm chỉ còn 14% và sụt giảm 171 tỷ, còn lại 871 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc suy giảm này là do giảm diện tích trồng mía sang trồng cỏ cho bò ăn. Việc thay đổi các lĩnh vực kinh doanh một cách đột ngột của Bầu Đức khiến cho công ty suy giảm lợi nhuận, không đủ nguồn vốn để đầu tư các hoạt động kinh doanh, nên ông chỉ còn cách vay nợ để làm. Năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL đã tăng lên con số 11.833 tỷ đồng. Trong đó vay ngắn hạn tăng thêm 1.458 tỷ lên mức 8.298 tỷ, và vay dài hạn là 18.801 tỷ. Tổng cộng số tiền Bầu Đức đang thiếu nợ vay là 27.099 tỷ đồng, một con số rất “khủng” thời điểm khó khăn đó.

profile-bau-duc-ky-9-3-1664501315.jpg

Bầu Đức liên tục vay mượn nợ trong năm 2015 (Nguồn: Zingnews.vn)

Trong bản báo cáo thường niên 2015 của HAGL cũng đã đề cập thẳng thắn về việc tập đoàn đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn nhưng chưa hiệu quả. Hệ số vay trên tổng tài sản và vốn sở hữu lần lượt là: 0,55 và 1,67. Số tiền lãi vay ngân hàng và trái phiếu mà Bầu Đức phải chi ra trung bình mỗi ngày là khoảng 3 tỷ đồng, cao hơn 80% so với cùng kỳ. Để có tiền trả nợ. vị đại gia này đã từng rao bán 50% cổ phần Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center. Đây là một dự án bất động sản tâm huyết nhất của ông, dù cho có bán hết dự án ở Việt Nam để làm nông nghiệp nhưng vẫn để tiền đầu tư dự án này. Nhưng vì tập đoàn rơi vào cảnh “nợ ngập đầu”, dòng tiền khó khăn nên ông phải bán đi cổ phần “đứa con cưng” của mình. Sau quá trình tìm kiếm, vị chủ tịch này quyết định bán cho công ty đầu tư bất động sản Rowsley của Peter Lim - vị tỷ phú nổi tiếng người Singapore, với giá 275 triệu USD. Tuy nhiên vận đen vẫn tiếp tục bám lấy Ba Đức, thương vụ đã thất bại do HAGL không đồng ý cho Rowsley đầu tư trực tiếp vào công ty sở hữu dự án tại Myanmar. Ngoài ra, số tiền thuế phải đóng cho thương vụ này tại Myanmar lên đến 40% lợi nhuận chuyển nhượng vốn. 

Trước những khó khăn liên tiếp ập tới, Bầu Đức đã gửi “tâm thư” cho cổ đông, nhân viên và khách hàng của mình. Đây là lần đầu tiên ông thừa nhận gặp khó khăn trong lĩnh vực cao su đã ảnh hưởng đến cả doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn, không còn đưa ra dự báo lạc quan về cao su như trước nữa. Ông cho rằng kết quả kinh doanh không đạt chỉ tiêu của năm 2015 là do thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến mảng nông nghiệp, dự án bất động sản tại Myanmar bị tác động bởi nguồn nhân công và vật tư nhập khẩu. Ba Đức hứa với cổ đông sẽ cố gắng giảm chi tiền để đầu tư, và khó khăn về dòng tiền chỉ là tạm thời. Ông tự tin sẽ có thể tái cơ cấu nợ để tiếp tục phát triển và mong mọi người cảm thông. 

Tuy nhiên, đây chỉ mới là khởi đầu của cuộc suy thoái.

Mời các bạn đón đọc về những ngày tháng khó khăn nhất sự nghiệp của Bầu Đức ở KỲ 10