Năm 1987, khi thành lập TSMC (công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan), tiến sĩ Morris Chang đã 56 tuổi, vừa bị hãng bán dẫn Texas Instruments (Mỹ) cách chức từ Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh bán dẫn xuống nhân viên thường.

Với số vốn ít ỏi, công nghệ không, bằng phát minh sáng chế trong lĩnh vực bán dẫn không, khách hàng không, đối tác không, TSMC chấp nhận cho hãng Philips (Hà Lan) 28% cổ phần để đổ lấy quyền dùng các sáng chế IP của Philips, đồng thời chấp nhận làm các “công việc cặn bã nhất” từ các gã khổng lồ bán dẫn như Intel, Texas Instrument, AMD, Motorola giao cho. Nghĩa là TSMC chỉ sản xuất các con chip cũ nhất, lạc hậu nhất mà các gã khổng lồ trên không muốn làm, hoặc làm thì lỗ, thực chất là họ đã chuyển lỗ của họ sang TSMC.

Vâng, từ người chỉ làm những việc cặn bã nhất trong lĩnh vực bán dẫn, ngày nay TSMC trở thành hãng nắm giữ công nghệ chip cao nhất thế giới (2-3 nm), có qui mô lớn nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành bán dẫn toàn cầu, chiếm 50% thị phần chip, chiếm 70% thị phần chip cho điện thoại thông minh; giờ đây vốn hoá của TSMC lớn gấp 4,8 lần Intel và Texas Instruments, lớn gấp 42 lần Philips (hãng mà khi thành lập TSMS đổi 28% cổ phần lấy IP), lớn gấp 2 lần Samsung, lớn hơn tất cả các hãng công nghệ Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

TS Moris Chang, từ nhà sáng lập, chủ tịch, CEO kỳ lạ nhất thế giới, bởi cổ phần ở TSMC của ông bằng 0%, đã trở thành tỷ phú với khối tài sản 3,3 tỷ USD, là tỷ phú nhiều tuổi nhất khi khởi nghiệp (56 tuổi) và tỷ phú nhiều tuổi nhất còn điều hành công ty (87 tuổi vẫn làm CEO) và tỷ phú nhiều tuổi nhất còn sống (93 tuổi).

Khi khởi đầu, chấp nhận làm những việc “cặn bã nhất” để rồi đến ngày vươn vai đứng lên sáng loà, mới thấy hổ thẹn thay cho nhiều người Việt chúng ta cứ suốt ngày chê “gia công phần mềm” là không sang, phải làm “sản phẩm” mới sang, mới danh giá mà quên mất rằng sản phẩn cũng có nhiều loại, có loại không đáng giá một xu, có cho cũng chẳng ai nhận.