bao-nam-thin-dau-phai-mot-loi-nguyen-vu-vo-1725840262.jpg

“Bão năm Thìn” từ lâu đã phổ biến trong cộng đồng. “Bão năm Thìn” được đúc kết thành ca dao “Gặp đây kẻ mất người còn/ Năm Thìn trận bão khóc mòn con ngươi”. Khái niệm “năm Thìn” được đề cập chính là năm Giáp Thìn. Bởi lẽ, người Việt đã hứng chịu hai trận bão khủng khiếp vào năm Giáp Thìn 1904 và năm Giáp Thìn 1964. Cho nên, lời nguyền “bão năm Thìn” không hẳn mang tính mê tín dị đoan, mà có giá trị kinh nghiệm được tích lũy từ đời sống thực tế và đời sống tâm linh.

Trận bão năm Giáp Thìn 1904 xảy ra vào tháng 5 ở miền Nam, được ghi chép trong nhiều sách vở. Trên báo Nông Cổ Mín Đàm ngày 12/5/1904 tường thuật: “Tại Sài Gòn, dưới sông, ghe chài và ghe đò bị chìm chẳng biết bao nhiêu, trên bờ cây ngã chật đường, dọn không xuể”.  

Theo tài liệu của nhà văn Sơn Nam (1926-2008) thì Mỹ Tho và Gò Công là hai nơi thiệt hại nặng nhất của trận bão Giáp Thìn. Vì vậy, trong một số bản ca cổ đồng bằng sông Cửu Long có mấy câu “Thình lình một trận bão thinh không/ Nước lụt năm rồng gặp tháng rồng/ Giông thổi trốc cây chim khiếp vía/ Đất bằng nổi sóng chúng kinh hồn”.

Trận bão năm Giáp Thìn 1964 xảy ra vào tháng 11 ở miền Trung. Những bậc cao niên sinh sống ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đều còn nguyên ký ức kinh hoàng thuở ấy. Trên báo Nhân Dân ngày 17/11/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết một lá thư ân cần thăm hỏi đồng bào miền Trung: “Máu chảy ruột mềm, được tin đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót, như xát muối vào lòng. Đồng bào sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, anh dũng vượt mọi khó khăn, mau chóng hàn gắn vết thương do bão lụt gây nên, ổn định cuộc sống”.

Trận bão năm Giáp Thìn 2024 thì bây giờ chúng ta tích cực ứng phó. Bão số 3 có tên quốc tế Yagi, đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc với sức tàn phá khủng khiếp. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội đều nằm trên đường đi của siêu bão này. Cũng may, bối cảnh xã hội đã khác, hiện nay hầu hết các công trình dân sinh đều xây dựng kiên cố hơn nên tránh khỏi bi kịch nhiều người phải rơi vào tình trạng màn trời chiếu đất. Hơn nữa, nhờ chủ động phối hợp phòng chống của chính quyền và quần chúng, sự thiệt hại nhân mạng được khống chế ở mức thấp nhất.

Thiên tai rất khôn lường. Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu càng khiến diễn biến bão lụt thêm khó dự đoán. Các nhà khoa học đã chứng minh có nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ lặp lại sau một vòng hoa giáp 60 năm, mà “bão năm Thìn” cũng trùng hợp ngẫu nhiên. Thế nhưng, người Việt vẫn đủ bản lĩnh để bước qua mọi lời nguyền tai ương.

Bão Yagi dẫu gây không ít mất mát và để lại nhiều đổ nát, thì cả nước chung tay san sẻ với những địa phương bị ảnh hưởng, để cùng nhau “dựng lại nhà, dựng lại người”. Khi bão tan, khi lũ rút, thì tình người vẫn ở lại, nồng ấm và tin cậy trong ơn nghĩa đồng bào.    

-----------------------

Nguồn: Lê Thiếu Nhơn