Phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự giảm điểm cự mạnh. Kết phiên 15/4, VN-Index ghi nhận mức giảm 59,99 điểm (4,7%) để lùi về 1.216 điểm. Đây là phiên chỉ số giảm mạnh nhất về điểm số trong gần 2 năm, kể từ 12/5/2022.

Mức giảm 4,7% của VN-Index đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 15/4. Con số này thậm chí còn vượt trội các thị trường trong khu vực. 

Giá trị khớp lệnh HoSE lên đến hơn 30.000 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa HoSE cũng theo đó "bốc hơi" 244.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD), xuống còn 4,95 triệu tỷ đồng.

Tổng cộng toàn thị trường ghi nhận 886 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 157 mã giảm sàn. Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều giảm điểm, nhiều mã thậm chí còn trắng bên mua.

Tại nhóm VN30, VRE, BCM, BID, GVR, SSI, MSN giảm sàn. Thậm chí, VRE, BCM trắng bên mua, trong khi kết phiên vẫn còn hàng chục, trăm nghìn cổ phiếu dư bán sàn.

Loạt cổ phiếu chứng khoán trắng bên mua, có mã dư bán sàn cả triệu đơn vị như VIX. SSI, VND, HCM, VCI, AGR, CTS, ORS, FTS…

Khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị gần 1.200 tỷ đồng, tập trung các mã VHM, CTG, SSI, VCB, VNM, TPB…

tu-doanh-chung-khoan-1-1713183853.jpg
 

Hình minh họa

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC đánh giá nhiều áp lực trở lại với việc CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed có thể chậm lại. Lợi suất trái phiếu và USD tăng mạnh trở lại. Trong khi đó xung đột đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh đồng thời gây áp lực lạm phát tiềm ẩn. Các thị trường chứng khoán quốc tế cũng đang thể hiện sự suy yếu. Do đó tác động từ thị trường chứng khoán thế giới nhìn chung là tiêu cực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng hiện dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đang dồi dào và tạm thời đang là điểm tựa cho thị trường. Tuy nhiên trước những thông tin về lạm phát Mỹ không mấy khả quan và việc FED có thể chưa sớm hạ lãi suất như kỳ vọng, dòng tiền khối ngoại có thể tiếp tục rút ròng và tác động rõ ràng hơn tới thị trường.

Trái ngược với việc khối ngoại bán ròng, tự doanh CTCK mua ròng hơn 700 tỷ trong ngày VN-Index giảm sâu. Trên sàn HoSE, tự doanh CTCK mua ròng hơn 659 tỷ đồng, trong đó mua ròng 607 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và mua ròng 52 tỷ tại kênh thoả thuận.

Trên HNX, tự doanh CTCK mua ròng gần 37 tỷ đồng, trong đó mua ròng 31 tỷ tại PVS và 6 tỷ tại TNG.

Trên UPCoM, tự doanh CTCK mua ròng gần 27 tỷ, trong đó QNS được mua ròng khoảng 28 tỷ đồng, ngược lại BSR bị bán ròng khoảng 3 tỷ đồng.

pham-nhat-vuong-401-1713183911.jpg
 

Ông Phạm Nhật Vượng

Trong phiên giao dịch hôm nay, 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam đã mất tổng cộng 13.000 tỷ đồng. Người giảm nhiều nhất là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup (VIC), giá trị số cổ phiếu VIC trong tay vị tỷ phú này (bao gồm trực tiếp và gián tiếp) đã giảm gần 4.700 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát (HPG) "bay hơi" vào khoảng 2.200 tỷ đồng. Vợ của ông Trần Đình Long là bà Vũ Thị Hiền cũng mất tới 600 tỷ đồng trong phiên 15/4.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group (MSN) và Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank (TCB) mỗi người cùng mất 1.600 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet (VJC) cũng đã "bốc hơi" khoảng 300 tỷ đồng tài sản.

Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland và ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cùng mất 800 tỷ đồng. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT và ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Sunshine Homes cũng lần lượt mất 300 tỷ và 200 tỷ đồng.