Báo đưa tin “Agribank mới đây thông báo bán hai khoản nợ của Công ty TNHH MTV Tập đoàn An Thái (Công ty An Thái), tỉnh Hòa Bình. Tổng số dư nợ của hai khoản vay đến thời điểm này là 7.710.533.207 đồng trong đó dư nợ gốc còn lại 5.000 đồng.” (*)

photo1638330917060-16383309171692103755508-1638427304.jpg
Ảnh minh họa

Nếu không đối chiếu quy định hiện hành về cách tính lãi thì có thể nghĩ ngân hàng đã cho vay nặng lãi hay có điều gì bất thương; nhưng so với quy định hiện hành về cách tính lãi vay sẽ thấy điều này bình thường.

Theo Khoản 4, Điều 13, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN:

4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Vì không có hồ sơ vay nên phân tích này dựa trên thông tin của bài báo, một số thông tin trên mạng và giả định, nhưng tác giả cố gắng đảm bảo phản ánh được bản chất vấn đề.

Theo thông tin trong bài báo, năm 2010 khách hàng vay hạn mức 20 tỷ đồng. Nếu khách hàng dùng hết hạn mức và lãi suất cho vay 15% (*) thì tiền lãi năm 2010 sẽ là 3 tỷ đồng.

Cuối kỳ khách hàng phải trả gốc 20 tỷ đồng và lãi 3 tỷ đồng. Theo quy định nói trên, nếu khách hàng nợ tiền gốc dù chuyển nợ quá hạn hay không đều bị tính lãi suất cao hơn lãi suất tính cho phần nợ lãi (tối đa 10%). Vì vậy để có lợi cho mình khách hàng sẽ thanh toán nợ gốc và nợ lại lãi. Khi khách hàng làm như vậy nhiều năm cho đến 2021 thì: vì khách hàng chỉ trả nợ gốc nên dư nợ gốc chỉ còn 1.000 đồng, nhưng tổng số tiền lãi tích lũy khách hàng này nợ ngân hàng có thể lên đến 3×(1+10%)^11, khoảng 8,559 tỷ đồng.

Trong thực tế có thể khách hàng đã trả bớt một phần nợ lãi này hoặc tiền lãi chậm trả được tính lãi suất thấp hơn 10% cho nên số tiền nợ 6.343.984.966 đồng như báo đưa tin là hoàn toàn có khả năng và bình thương.

Tương tự cho khoản vay 6 tỷ năm 2012, lãi suất 13% (***) thì tiền lãi năm đó là 780 triệu đồng. Nếu khách hàng này làm y hệt như khoản vay 2010 thì tiền lãi nợ ngân hàng tối đa có thể là 780×(1+10%)^9, khoảng 1.839 triệu đồng, cho nên con số nợ lãi 1.366.547.241 đồng như bài báo nói là hoàn toàn có thể có, dù nợ gốc chỉ còn 4.000 đồng.

Tóm lại, trường hợp này có thể là một case việc người vay dựa vào quy định pháp luật để tiết kiệm chi phí tài chính rất hay.

(Bài viết dựa trên thông tin ít ỏi nên có thể thiếu sót, mọi đóng góp đều được hoan nghênh.)

(*) https://soha.vn/no-goc-ngan-hang-chi-con-1000-dong-doanh...

(**) The0 bài nảy lãi suất cho vay ngắn hạn VND 2010 của Agribank là từ 15-17%: https://dangcongsan.vn/.../phat-huy-vai-tro-cua-cac-ngan...

(***) Theo bài này lãi suất cho vay cho vay ngắn hạn của Agribank 2012 là 13% https://nhandan.vn/.../agribank-cho-vay-xuat-khau-lai.../