hd-1661139960454461125752-0548-1681796867.jpg
 

Theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023 của HDBank (HoSE: HDB), HĐQT dự kiến trình cổ đông kế hoạch góp vốn, mua cổ phần một công ty trong lĩnh vực chứng khoán để công ty đó trở thành công ty con.

Tiêu chí mà HDBank đưa ra để lựa chọn công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần bao gồm được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, hoạt động kinh doanh có lợi nhuận liên tiếp trong ba năm gần nhất. Đồng thời, công ty này phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành.

HDBank cho rằng việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế tạo ra tiền đề tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản chứng khoán trong nước mới đạt tỷ lệ hơn 6% dân số, thấp hơn so với mức 10-15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Ngân hàng xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm. Việc đầu tư vào công ty chứng khoán giúp HDBank mở rộng và khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện hữu thông qua các dịch vụ như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính... Ngoài ra, ngân hàng có cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ... từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng.

Ngân hàng cũng dự kiến bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, do trước đó ngày 15/4 HĐQT ngân hàng có tờ trình miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm, thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Theo đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT.

Ông Phạm Quốc Thanh sinh năm 1970 được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc HDBank từ tháng 3/2020. Ông là cử nhân Tài chính ngân hàng và cử nhân Ngoại ngữ. Ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như HSBC, ACB, ABBank, Techcombank... trước khi gia nhập HDBank năm 2013.

Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 520.024 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động (bao gồm các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, huy động tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay các TCTD) dự kiến đạt 459.398 tỷ đồng, tăng 25%.

Tổng dư nợ tín dụng mục tiêu là 333.553 tỷ đồng, tăng 24% nhưng không vượt quá mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát không quá 2%.

Trước HDBank, nhiều ngân hàng trên thị trường cũng đã sở hữu công ty chứng khoán. Đây là xu hướng chung của các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn tại các thị trường phát triển, nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng, đồng thời tối ưu hóa giá trị mang lại cho ngân hàng và cổ đông.

Trên thị trường, hiện có một công ty chứng khoán có nhiều mối liên hệ với HDBank là CTCP Chứng khoán HD (HDS). Công ty chứng khoán này tiền thân là Công ty chứng khoán Phú Gia, được thành lập từ tháng 12/2006.

Hồi tháng 9/2021, HDS đã tăng vốn điều lệ lên 1.023 tỉ đồng (thỏa mãn điều kiện M&A mà HDBank đưa ra) thông qua việc chào bán 71,3 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH đầu tư Blue Sky Việt Nam.

Ngày 30/3/2023, AGM 2023 của HDS đã thông qua phương án chào bán 20,46 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 1.227,6 tỉ đồng.

Đồng thời, đại hội cũng thông qua phương án chào bán 52,24 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là tổ chức tín dụng. Thương vụ này dự kiến được thực hiện sau khi HDS hoàn thành đợt tăng vốn từ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, dự kiến trong quý 3 và quý 4/2023.