CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) công ty con của Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 với doanh thu đạt 6,2 tỷ đồng. Doanh số này cao gấp 30 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ hơn trăm tỷ đồng doanh thu tài chính và được hoàn nhập nhiều chi phí, VEF lãi 114 tỷ đồng, giảm gần 8%. 

Lũy kế năm 2023, VEF lãi tổng cộng 544 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục của doanh nghiệp này.

Năm 2023, VEF đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, kết năm 2023, công ty đã hoàn thành 90% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 2 lần mục tiêu lợi nhuận (vượt 117,5%).

Trước đó, vào ngày 15/6/2020, Tập đoàn Vingroup có ứng trước 4.900 tỷ đồng cho công ty nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Số tiền lớn này được Vefac mang gửi ngân hàng và cho vay lại.

Đáng chú ý, kể từ 2020 đến nay, lợi nhuận VEF không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu từ nguồn tiền lãi gửi ngân hàng, lãi cho vay và đầu tư.

Tính đến cuối quý 4/2023, doanh nghiệp có hơn 10 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, gần 1.320 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền hưởng lãi suất 8,5%/năm. Công ty này có một khoản phải thu cho vay hơn 3.000 tỷ đồng, đây là khoản cho các đối tác vay với lãi suất 11-12%/năm và được đảm bảo.

Quy mô tổng tài sản vượt 9.800 tỷ đồng, mở rộng thêm 12% so với đầu năm. Tại ngày 31/12/2023, Vefac ghi nhận giá trị hàng tồn kho tăng gấp đôi so với đầu năm, lên mức 2.462 tỷ đồng. Đây là các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Công ty còn có 2.640 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở các dự án Tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa tại Ba Đình (103 tỷ đồng), dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (848 tỷ đồng), Khu đô thị mới Đông Anh (1.666 tỷ đồng) và Khu chức năng đô thị đại lộ Thăng Long (23 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu đạt 3.076 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, tương ứng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,18 lần.

Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam tiền thân là Khu Triển lãm Giảng Võ, thành lập năm 1974 với nhiệm vụ là tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế – kỹ thuật của đất nước, các sự kiện văn hóa, xã hội của thủ đô Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương. Sau khi cổ phần hóa, Tập đoàn Vingroup trở thành công ty mẹ nắm giữ 83% cổ phần Vefac và có tỷ lệ lợi ích 86,54%.

Đây là nhà tổ chức, nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực hội chợ triển lãm, sở hữu một cơ sở vật chất có lợi thế lớn về diện tích, vị trí nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.

Trong 50 năm xây dựng và phát triển, VEFAC đã tổ chức thành công hàng trăm sự kiện lớn như: Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội của Việt Nam (diễn ra định kỳ 5 năm một lần), triển lãm truyền thống về thành tựu của các ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Xây dựng, Thông tin & Truyền thông, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, SEAGAME, INDOORGAMES, Hội Thi Tay nghề ASEAN… các hội chợ thương mại thường niên như Hội chợ Quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam, Hội chợ Xuân, Hội chợ Thời trang Việt Nam, Hội chợ Thương mại Hà Nội… VEFAC cũng là đơn vị đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc Triển lãm thế giới như EXPO 2005 tại Aichi Nhật Bản, EXPO 2008 tại Zaragoza Tây Ban Nha, EXPO 2010 tại Thượng Hải Trung Quốc, EXPO 2012 tại Yeosu... VEFAC hiện có đại diện tại Tổ chức Triển lãm Thế giới (BIE).

Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia,gồm 3 dự án thành phần: Dự án thành phần thứ nhất là Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài, Dự án thành phần thứ hai là Dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại số 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và Dự án thành phần thứ ba là Dự án Trung tâm Văn hóa, Du lịch, Thương mại tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.