CTCP Tập đoàn Nova Consumer thông báo sẽ chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn với giá tối thiểu 43.462 đồng/cp. Trong thời gian từ 7/2/2022 - 28/2/2022, một nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu và tối đa 5.444.000 cổ phiếu.

Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng là gần 474 tỷ đồng. Nova Consumer dự kiến chi 430 tỷ để mua lại phần vốn góp của CTCP Đầu Tư Tiêu Dùng tại Công ty TNHH Thực Phẩm Mặt Trời Mọc để phát triển chuỗi thực phẩm của Công ty, 35 tỷ đồng để đầu tư góp phần vốn mới vào Công ty TNHH Thực Phẩm Mặt Trời Mọc. Phần còn lại được bổ sung vốn lưu động (thanh toán chi phí mua nguyên, vật liệu).

Với mức giá chào bán IPO tối thiểu là 43.462 đồng/cp, thì Nova Consumer có mức định giá pre-IPO vào khoảng hơn 4,700 tỷ đồng và định giá sau chào bán là 5,200 tỷ đồng (tương đương gần 236 triệu USD). Sau khi IPO thành công, Nova Consumer sẽ tiến hành nộp hồ sơ niêm yết tại HOSE.

“Startup” đầu tiên của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland

CTCP Tập đoàn Nova Consumer vốn là Tập đoàn Anova Corp mới được đổi tên từ đầu năm 2021, tiền thân là Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn được thành lập từ năm 1992. Đây được biết đến là “startup” đầu tiên của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT của CTCP Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL), doanh nghiệp bất động sản top đầu Việt Nam hiện nay. Hiện ông Bùi Thành Nhơn là người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 34.000 tỷ đồng.

Năm 1995, ông Bùi Thành Nhơn đã liên doanh với Philippines đưa Công ty liên doanh sản xuất Thuốc thú y Biophamachemie vào hoạt động, mở rộng hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu thuốc thú y đến nhiều quốc gia trên thế giới. 1 năm sau đó, ông tiếp tục hợp tác với Mitsui, công ty hàng đầu Nhật Bản thiết lập hệ thống phân phối Acid amin cho thị trường Việt Nam.

bui-thanh-nhon-1-16316194265231655483255-1642165960.jpg
Nova Consumer tiền thân là Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn được thành lập từ năm 1992. Đây được biết đến là “startup” đầu tiên của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT của Nova Group.

Năm 2013, Quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund sở hữu 20% cổ phần của Anova từng định giá doanh nghiệp này ở mức 65 triệu USD. Tuy nhiên, tham vọng của ông Bùi Thành Nhơn lớn hơn như vậy, với kỳ vọng công ty sẽ “đóng góp lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam bằng cách tăng hiệu suất cho chăn nuôi, tạo nên một chuỗi thực phẩm sạch có thể truy xuất được nguồn gốc toàn diện, giá trị gia tăng cao trong nông nghiệp”.

Cũng trong năm này, Anova đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) và Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (Vetvaco). Hiện Navetco và Vetvaco là hai công ty chủ lực của Bộ NN&PTNT trong việc sản xuất và cung ứng các loại vaccine phòng bệnh, dược phẩm và chế phẩm sinh học cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Năm 2014, Anova thành lập CTCP Anova Biotech, chuyên phân phối vaccine nhập khẩu, chất lượng cao tại thị trường Việt Nam và Công ty Anova Farm, chính thức đầu tư vào lĩnh vực trang trại, nhằm nhanh chóng hoàn thiện chiến lược khép kín chuỗi thực phẩm. Hiện tại, Anova Biotech là đơn vị phân phối chiến lược và độc quyền của các nhà sản xuất vaccine lớn có uy tín trên thế giới, và đứng đầu thị trường về cung cấp vaccine phòng bệnh hô hấp phức hợp trên heo.

Vào năm 2020, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đầu tư 340 tỉ đồng (tương đương khoảng 15 triệu USD) dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm cho một trong những công ty trực thuộc tập đoàn Anova là CTCP Thức ăn Chăn nuôi Anova (Anova Feed) để mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Anova cũng bắt tay với Kerry Group (Ireland) đầu tư sản xuất sữa bột dành cho trẻ em – Anka Milk. Đây là một trong những chiến lược để hiện thực hóa chiến lược phát triển nhóm sản phẩm sạch mới của tập đoàn, gồm thịt, cá, trứng, sữa.

Tại đại hội cổ đông 2021, Anova được thống nhất đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn Nova Consumer với định hướng phát triển thêm các ngành hàng tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm để nhanh chóng hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín 3F (Feed - Farm - Food) từ trang trại đến bàn ăn.

nova-consumer-chuan-bi-ipo-2-1642165960.png
Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Anova Feed

Theo đó, thức ăn chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ về giá trị dinh dưỡng và tồn dư chất cám để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và đảm bảo nguồn thịt sạch. Quy trình tiếp theo, giống vật nuôi sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi của Công ty sẽ được chọn lọc và tăng trọng tốt, đạt năng suất cao. Cuối cùng, các sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được đưa vào chế biến thành thực phẩm đến người tiêu dùng.

Với chiến lược như vậy, hiện tại, hoạt động kinh doanh chính của Nova Consumer bao gồm lĩnh vực sức khỏe vật nuôi và Thức ăn chăn nuôi, trang trại và nông trại. Trong đó mảng kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản đứng số 1 thị trường với thị phần 35%.

Đây là những lĩnh vực kinh doanh có nhiều triển vọng trong những năm tới khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp của thế giới và hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của ngành, chính sách của Nhà nước.

Nova Consumer kinh doanh ra sao?

Sau 8 lần tăng vốn và tái cơ cấu, tính đến cuối năm 2021, công ty có vốn điều lệ 1.088 tỷ đồng. Hiện tại, 2 cổ đông lớn nhất của Nova Consumer là CTCP Thương mại Bảo Khang (nắm 17,24%) và CTCP Đầu tư A.N.O.V.A (nắm 15,1%).

nova-consumer-1642165960.jpg
Hệ sinh thái Nova consumer

Mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu của Nova Consumer là Thức ăn chăn nuôi và Sức khỏe vật nuôi. Năm 2020, doanh thu 2 mảng này đem về lần lượt là 1.616 tỷ đồng và 1.085 tỷ đồng, chiếm lần lượt 52% và 35% tổng doanh thu công ty.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi là 1.454 tỷ đồng và từ sức khỏe vật nuôi là 921 tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng góp lớn hơn về lợi nhuận gộp là mảng Sức khỏe vật nuôi với tỷ trọng lớn nhất: 55,8%. Mảng Thức ăn chăn nuôi và Trang trại chiếm tỷ trọng lần luợt là 26,7% và 17%. Việc tập trung tham gia vào các mảng Sức khỏe vật nuôi và Trang trại sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa nguồn thu của Nova Consumer trong bối cảnh hiện tại, đồng thời giảm rủi ro khi lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi đang chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

screenshot-2-1642166300.jpg
 

Là một quốc gia nông nghiệp, ngành chăn nuôi được xem là một ngành chiến lược của nền kinh tế Việt Nam và đang được sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành có điều kiện tăng trưởng vượt bậc góp phần cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu cũng như đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của cả nước trong giai đoạn sắp tới. So với các nước trong khu vực, mức độ tiêu thụ thịt trên đầu người ở Việt Nam còn thấp 16,5kg/người/năm so với quốc gia cao nhất trong khu vực là 57,5kg/người/năm.

Theo đánh giá của Nova Consumer, Việt Nam là một quốc gia đông dân và với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân trên đầu người ngày một tăng lên. Các yếu tố này sẽ góp phần cho sự tăng trưởng tiêu dùng thịt của người dân Việt Nam trong tương lai và là nền tảng cơ sở cho sự tăng trưởng quy mô đàn vật nuôi bao gồm cả heo, gà … để đảm bảo nhu cầu tăng trưởng tiêu dùng ngày một nhanh của người dân Việt Nam. Nhờ đó, chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín của Tập đoàn sẽ còn nhiều dư địa để phát triển mạnh thị trường trong lĩnh vực này trong tương lai.

nova-ln-1642133749025782469660-1642165961.png
 

Ngoài ra, đặc thù của ngành cũng có những chuyển biến tích cực đóng góp vào nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ nông dân, do vậy, việc sử dụng thuốc thú y và biện pháp an toàn sinh học vẫn còn chưa được áp dụng đúng mức và triệt để, thức ăn tự trộn vẫn còn chiếm phần lớn trong tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi đang tiêu dùng trong cả nước.

Do vậy, với xu hướng tập trung hóa chăn nuôi để gia tăng sản xuất cũng như giảm thiểu dịch bệnh lây lan khi có những trận dịch lớn, sẽ góp phần nâng cao ý thức sử dụng vaccine, thuốc thú y, các dung dịch sử dụng trong biện pháp an toàn sinh học và kể cả thức ăn gia súc công nghiệp, góp phần không nhỏ trong tỷ lệ tăng trưởng của ngành trong tương lai.