Tiếng nói từ các công ty thủy sản cho chúng ta biết rằng mức thuế đối ứng 20% mới đây của Mỹ là phù hợp với dự kiến của họ và được đánh giá là có thể chấp nhận được.
So với mức đe dọa ban đầu là 46%, thuế suất 20% là một mức giảm đáng kể. Ngoài ra, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với thuế hiện hành 55% mà Trung Quốc đối thủ lớn trong phân khúc cá thịt trắng đang phải chịu.
Các doanh nghiệp ngành cá tra như Thủy sản Vĩnh hoàn VHC và Nam Việt ANV đã chuẩn bị sẵn lập trường rõ ràng:
" KHÔNG CHIA SẺ phần thuế đối ứng với các nhà nhập khẩu Mỹ, kể cả khi mức thuế tăng đến 46% lúc trước "
Tức là thuế ông Trump đánh bao nhiêu thì người Mỹ tự trả còn thuỷ sản Việt Nam không góp tiền trả.
(điều này Trương Đắc Nguyên đã nói trong một bài báo ngay sau khi có mức thuế 20%)
Đối với FMC, doanh nghiệp cho biết vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhờ chất lượng sản phẩm cao và danh mục chế biến đa dạng, đồng thời sẽ tập trung kiểm soát chi phí để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận.
Thực tế là tháng 4 đến tháng 7, giai đoạn chỉ áp tạm mức thuế 10% thì các doanh nghiệp Việt Nam nhất định không phải chịu chia sẻ mà do nhà nhập khẩu Mỹ chịu toàn bộ. Điều này tạo bước đệm cho giai đoạn chính thức áp thuế 20% thì phía Mỹ cũng phải thích nghi dần
Cơ sở của điều này là từ đâu ?
Về lợi thế cạnh tranh, cá tra Việt Nam có mức giá thấp nhất trong nhóm cá thịt trắng tại Mỹ. Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn nhất và gần như duy nhất cho thị trường Mỹ. Trong khi đó, cá rô phi chủ yếu từ Trung Quốc bị bất lợi do mức thuế cao. Nguồn cung các loại cá trắng khác như cá minh thái, cá tuyết, cá hồi cũng đang giảm do EU cắt giảm hạn ngạch đánh bắt. (Đây là quan điểm của HSC và các doanh nghiệp thủy sản)
Tuy nhiên theo quan điểm riêng của Nguyên thì cá tra hay các loại cá thịt trắng cũng chỉ được xem xét là 1 loại mặt hàng thực phẩm thông thường, không đến mức nhu cầu tiêu dùng cao, nên vẫn có thể bị các hàng hóa khác thay thế nếu giá không còn phù hợp.
Từ các cơ sở trên đang có quan điểm rằng "đòn thuế" này đã được doanh nghiệp lường trước và chuẩn bị từ trước.
Giờ đây khi đã xác định rõ mức thuế sẽ giúp xóa bỏ phần nào sự bất định, từ đó hai bên có thể thương mại và nhập hàng của nhau bình thường trở lại, thay vì lo sợ các "đòn gió" của thuế quan nữa
Tóm lại FMC cho biết sẽ tập trung vào kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất để bảo vệ biên lợi nhuận. Đối với VHC và ANV, việc không chia sẻ thuế giúp tỷ suất lợi nhuận gộp không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dưới đây là đồ thị về biên lợi nhuận gộp của ngành thủy sản, có thể thấy giai đoạn 2012 hay năm 2018 khi chịu nhiều rào cản kĩ thuật đã khiến biên lợi nhuận gộp của ngành giảm.