techcombank-fqtd-1634779347.jpeg
Ảnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm nay đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước và tương đương hơn 86% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lãi 9 tháng cao nhất kể từ khi thành lập vào năm 1993.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 37,9% lên 26,9 nghìn tỷ đồng, với cả thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng hai chữ số.

Cụ thể, thu nhập từ lãi (NII) đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,8% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30 tháng 9 năm 2020).

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) tăng trưởng 29,0%, đạt 5,2 nghìn tỷ đồng với sự đóng góp từ tất cả các loại hình phí chủ chốt.

Trong đó, thu nhập phí liên quan tới dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong NFI, tăng trưởng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Phí bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu đạt 1.275 tỷ đồng, giảm 3,1% nhưng bù lại, phí từ các dịch vụ IB khác tăng 68,5% lên 1.345 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. 

Phí dịch vụ bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng 14,4% trong quý 3 năm 2021 và tăng 31,4% trong 9 tháng đầu năm (nâng mức phí này lên 711 tỷ) so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu khai thác mới (APE) giảm 7,2% trong quý 3 so với quý liền trước nhưng ghi nhận mức tăng 31,0% trong 9 tháng.

9 tháng đầu năm, chi phí hoạt động tăng 18,7% so với cùng kỳ, đạt 7,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 28,9%. Chi phí dự phòng ở mức 2,0 nghìn tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vào thời điểm cuối quý 3 năm 2021, tổng tài sản đạt 542 nghìn tỷ đồng tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 23,2% tính từ đầu năm 2021.

Trong đó, tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/09/2021 đạt 362,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm (cao hơn mức tăng 11,2% tại thời điểm cuối quý 2/2021). Nhu cầu tín dụng duy trì ổn định với sự gia tăng dư nợ của khách hàng cá nhân 24,1% tính từ đầu năm. Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn tăng khoảng 13,3% so với cuối năm 2020.

Tổng tiền gửi tại ngày 30/9/2021 là 316,4 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 14,0% kể từ đầu năm. Với số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 59,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 155,0 nghìn tỷ đồng trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 27,0% và 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ CASA đạt 49,0% tại thời điểm 30 tháng 9 năm 2021 do Techcombank đẩy mạnh các gói sản phẩm dịch vụ tiền gửi và giao dịch.

Tiền gửi có kỳ hạn đạt 161,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0% so với 30/9/2020, do ngân hàng đã tối ưu hóa cấu trúc vốn, ưu tiên các nguồn vốn có lãi suất thấp hơn hoặc có kì hạn dài hơn để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đến cuối quý III, tỷ lệ nợ xấu đạt mức 0,6%, tăng nhẹ so với mức 0,4% cuối quý 2. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý 3 năm 2021 ở mức cao 184%, giảm so với mức 259% cuối quý 2, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 148% cùng kỳ năm ngoái.
Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đạt mức 2,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,9% dư nợ.

Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR4) đạt 76,7%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 32,6% tại cuối quý 3 năm 2021, giảm mạnh so với mức 39,1% cuối quý 2 và đáp ứng quy định mới về trần tỷ lệ này (37%) từ ngày 1 tháng 10 năm 2021.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II.