TTCK trong nước phiên cuối tuần đã đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử, vượt ngưỡng kháng cự 1450. Dù thanh khoản có phần chùng lại, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức trên 1 tỷ $/ phiên. Những thành quả này có được chủ yếu nhờ nỗ lực từ khối NĐT cá nhân trong nước. Tiền tươi thóc thật đang được bơm vào thị trường một cách mạnh mẽ. Với đà tăng này, khả năng ngưỡng kháng cự tiếp theo là 1480 sẽ được chinh phục trong tháng 11, để tiến tới con số mơ ước 1500 trong năm 2021. Hôm nay là ngày số cổ phiếu kỷ lục về tài khoản, cho nên có thể sẽ có những rung lắc mạnh, đặc biệt dòng BĐS.

0-esua-sdur-1636346672.jpg
 

Song song với sự thăng hoa của TTCK Việt Nam, bên kia bờ đại dương cũng chứng kiến những kỷ lục nối tiếp kỷ lục. Bất chấp việc FED quyết định sẽ rút dần các gói kích thích kinh tế, nhưng với báo cáo việc làm khả quan, chỉ số Dow Jones vững vàng trên mốc 36.000 điểm. Bên cạnh đó, hạ viện Mỹ vừa thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay, lên đến 1.200 tỷ $. Đây là điều sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất như Thép, Xây dựng, Hạ tầng giao thông, cũng như sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, giúp quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Trong “bữa ăn sáng” hôm nay, tôi xin mời NĐT thưởng thức món: “Nghệ thuật dụng vốn và phương pháp rút lãi trong ĐTCK”. Không chỉ là những NĐT mới, mà ngay cả những người có kinh nghiệm trên 10 năm của TTCK luôn gặp phải tình huống lãi rất cao, nhưng chưa kịp chốt, chỉ trong thời gian ngắn đã quay trở lại “cái máng” ban đầu. Có thể sau này giá quay trở lại vùng đỉnh cũ, thậm chí vượt, nhưng mất rất nhiều thời gian. Vậy đâu là điểm cần chốt, chốt bao nhiêu, chốt để làm gì? Tôi xin chia sẻ phương pháp mà tôi đã đúc kết dành cho các NĐT cá nhân.

Đối với phần đông NĐT cá nhân, đầu tư chứng khoán được hiểu là kinh doanh cổ phiếu. Điều này không có gì sai, chỉ có điều cổ phiếu hay chứng khoán là một lĩnh vực đặc thù, nó sẽ khác so với việc buôn bánh mì hay gạo. Đã gọi là kinh doanh, việc đầu tiên cần nói đến là vốn. Vậy bỏ ra bao nhiêu vốn ban đầu là phù hợp. Sau này sẽ bơm hay rút vốn như thế nào. Có 5 nguyên tắc dụng vốn như sau:

1. Chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có tính rủi ro, có chu kỳ tốt và chu kỳ xấu. Trong chu kỳ tốt có thể sử dụng vốn với tỷ lệ % trên tổng tài sản (của bản thân và gia đình) cao, trong chu kỳ xấu nên dùng ở tỷ thấp, thậm chí đưa về 0. Vậy tỷ lệ nào gọi là cao? Cá nhân tôi trong chu kỳ đầu tháng 6/2020 khi TTCK tạo đáy và đi lên, tôi dùng 90% TTS của gia đình để đổ vào TTCK. Đây là điều có lẽ hơi sai, nếu bây giờ được làm lại tôi sẽ tiết chế ở mức 70%. Tuy nhiên do yếu tố may mắn, sự thành công đã đến ngoài mong đợi. Còn bây giờ khi TTCK có dấu hiệu bình ổn hơn, tôi chỉ phân bổ vốn cho mảng CK từ 40%-60% của TTS.

2. Không để giảm vốn quá 7%, trong vài trường hợp đặc biệt có thể chấp nhận sự dao động ngắn hạn lên đến -12%. Có nghĩa là tổng NAV phải được giữ gìn như con ngươi của mắt mình. Để làm được điều này phải có sự đa dạng hóa danh mục, chú trọng ưu tiên cho tỷ trọng lớn các mã cơ bản, biến động chậm. Còn đối với hàng nóng, có beta cao, phải hành xử quyết liệt, tỷ trọng ở mức không quá 30% danh mục.

3. Hãy học cách dùng đòn bẩy, vốn vay Margin. Có nghịch lý hay không khi mình vẫn còn 50% tiền bên ngoài, mà lại đi vay của CTCK với lãi suất cao? Không có gì là vô lý cả, vì nguyên tắc phân bổ chỉ cho phép 40%-60% TTS, nhưng khi xuất hiện cơ hội phải dùng vốn nhiều hơn. Lúc này hãy sử dụng đòn bẩy. Nghệ thuật dùng Margin là đỉnh cao, nhưng có thể nắm bắt nếu học hỏi tốt cộng với kinh nghiệm theo thời gian.

4. Vốn đầu tư chúng khoán không cố định. Nếu ban đầu chúng ta xác định một con số nào đó, sau một khoảng thời gian nhất định, khi đã giỏi hơn, nên thay đổi số vốn đó. Nhưng đừng thay đổi quá nhanh, thường không nên đổi trong 1 năm. Ví dụ nếu ban đầu bạn bỏ ra 100 triệu để đầu tư, 1 năm sau nếu thấy mình có kết quả tốt, có thể cân nhắc thành 500 triệu vốn. Ngoài ra nếu theo phương pháp tích sản dần, cũng tạo ra số vốn tăng bền và chắc.

5. Chứng khoán phải được coi là tài sản nghiêm túc trong một chu kỳ đủ dài. Vốn dành cho chứng khoán nên phải là vốn dài hạn, không dùng vốn ngắn hạn hoặc dòng vốn có áp lực để đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, cũng không nên tùy tiện rút vốn. Có nghĩa là nếu bạn nổi hứng muốn đổi chiếc xe đang đi thành Rolls Royce, tuyệt đối không được bán tài sản để mua xe. Còn lấy đâu ra tiền mua Rolls Royce, tôi sẽ nói ở phần sau.

Như vậy chúng ta đã đi qua phần dụng vốn. Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu cách rút lãi như thế nào. Có người nói đừng bao giờ nên rút lãi, cứ gộp vào vốn tạo ra lãi kép. Nhưng tôi không tin vào điều này lắm, vì đa phần tôi thường nhìn thấy lỗ kép, chứ ít khi nhìn được ai có lãi kép. Tôi tin rằng đầu tư chứng khoán là một quá trình rất lâu dài, phải kiên nhẫn góp nhặt từng đồng, chờ cơ hội nào đó. Thà chậm chắc, rồi cũng sẽ có lúc bùng nổ. Như vậy việc rút lãi là rất cần thiết. Đã kinh doanh thì phải xét tính hiệu quả theo một chu kỳ nào đó, ví dụ theo từng năm. Có 3 nguyên tắc rút lãi như sau:

1. Đừng rút lãi theo định kỳ thời gian, vì chứng khoán khác hẳn việc đi làm công cho một tổ chức, cứ cuối tháng là nhận lương. Nên xem xét các yếu tố xu hướng, định lượng, dòng tiền, để xác định các ngưỡng đỉnh tạm thời. Tại các ngưỡng này khi có lãi, hãy rút phần lãi ra. Cá nhân tôi thường khi ở các vùng kháng cự cứng, có khả năng chưa vượt qua được, tôi hay bán sạch Margin, bán để thu lãi, đôi lúc dư tiền mặt, dù vẫn còn tỷ trọng cổ phiếu cơ bản dài hạn. Tôi giữ lại phần vốn đã định, rút lãi ra.

2. Nếu không xác định được rõ các mốc kháng cự, có thể cân nhắc rút lãi theo tỷ lệ. Ví dụ cứ lãi 15%-20% là rút phần lãi đó ra. Phương pháp này cũng có cái hay là tránh được các cú rung lắc hay sập hầm bất ngờ của thị trường. Điều này cũng làm hạn chế những giao dịch thường xuyên, tốn chi phí không cần thiết.

3. Lãi phải được rút ra hẳn khỏi chứng khoán. Có nghĩa là tiền này không quay trở lại trong chu kỳ vốn đã xác định. Bạn có thể dùng để mua nhà, mua xe hay cho mục đích cá nhân tùy ý. Thông thường tôi hay gộp làm Tổng tài sản tăng lên. Sau một khoảng thời gian, khi đã có TTS mới, tôi sẽ phân bổ lại tỷ lệ, phần nào dành cho CK, phần nào dành cho BĐS, phần nào để giữ tiền măt gửi NH.

Chứng khoán không phải là một trò chơi may rủi, cũng không phải là thứ mà cứ bỏ vốn ra kinh doanh sẽ đảm bảo có lời. Đây là một lĩnh vực rất cao cấp, đòi hỏi tính học thuật cũng như bản lĩnh, tâm lý vững vàng. Nếu có đam mê, nhiệt huyết cũng như tinh thần học hỏi không ngừng, chúng ta có thể hiểu rất sâu và nắm vững nhiều nghệ thuật cũng như các phương pháp tối ưu.

Chúc toàn thể NĐT có phiên giao dịch đầu tuần an lành.