Xuân Thiện Group là chủ đầu tư Dự án điện mặt trời có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng vừa đi vào hoạt động ở Đắk Lắk. Ông Nguyễn Văn Thiện- Chủ tịch Xuân Thiện Group là con trai cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành - ông chủ Tập đoàn Xuân Thành – tập đoàn tư nhân lớn bậc nhất tại tỉnh Ninh Bình. Ngoài Xuân Thiện Group, “hệ sinh thái” Xuân Thành còn có thêm nhiều tập đoàn khác do  hai người em trai của ông Thiện là Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) và Nguyễn Xuân Thủy lãnh đạo. Với hàng loạt dự án đang xây dựng Xuân Thiện Group đang thể hiện tham vọng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Ngày 11/11 vừa qua, Tập đoàn Xuân Thiện đấu nối và đóng điện trạm biến áp 500kV - nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Sup tại Đắk Lắk.

Dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn I có công suất 600 MWac/831 MWp, với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, điện lượng 1,5 tỷ kWh/năm. Với gần 2 triệu tấm pin mặt trời, trạm biến áp 500 kV/1.200 MVA và 22,2 km đường dây 500kV. Theo chủ đầu tư, với công suất hiện có, đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.

Cánh đồng pin mặt trời Xuân Thiện Ea Sup tại Đắk Lắk.

Cánh đồng pin mặt trời Xuân Thiện Ea Sup tại Đắk Lắk.

Đại diện Tập đoàn Xuân Thiện cho biết, khởi công vào tháng 4/2020, sau khi hoàn thành hai giai đoạn, vào cuối năm 2021, đầu 2022, dự án có tổng công suất 2.000 MWac/2.800 MWp, trạm biến áp 500 kV/2.400 MVA, cung cấp khoảng 5 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Ea Súp 5 là thành viên của Xuân Thiện Group. Công ty này do các pháp nhân cùng “họ” Xuân Thiện góp vốn thành lập, như: Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (Xuân Thiện Ninh Bình),  Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang (Xuân Thiện Hà Giang), Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình (Xuân Thiện Hòa Bình). Cập nhật đến ngày 12/2/2020, Xuân Thiện Ninh Bình góp hơn 706,2 tỷ đồng, chiếm 89% vốn của Ea Súp 5.
Xuân Thiện Ninh Bình được thành lập từ cuối năm 2005, trụ sở chính trên đường Vân Giang, phố 1, phường Vân Giang, TP. Ninh Bình, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.
Tính đến cuối tháng 6/2016, Xuân Thiện Ninh Bình có vốn điều lệ 1.524 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Thiện nắm giữ 82,68% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành (nắm giữ 7,87% cổ phần) và ông Nguyễn Văn Thuyết (nắm giữ 9,45% cổ phần).

Khoản nợ 1.700 tỷ đồng hé lộ tham vọng điện mặt trời của Xuân Thiện Group ảnh 1

Chủ tịch Nguyễn Văn Thiện (Nguồn: Xuân Thiện Vietnam)

Là người con cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành (SN 1950), ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1970) ghi đậm dấu ấn trong sự phát triển của Xuân Thiện Group, cùng với các “hệ sinh thái” của hai người em trai Nguyễn Đức Thụy (SN 1976) và Nguyễn Xuân Thủy (SN 1988), góp phần củng cố thêm vị thế của Tập đoàn Xuân Thành – tập đoàn tư nhân lớn bậc nhất tại tỉnh Ninh Bình.
Xuân Thiện Group thông qua nhiều công ty thành viên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất điện và xi măng.
Về lĩnh vực sản xuất xi măng, hiện Xuân Thiện Group đang quản lý một số nhà máy xi măng như: Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (công suất 6 triệu tấn xi măng/năm, là dây chuyền lớn nhất thế giới), Nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam (công suất 1,3 triệu tấn xi măng/năm), Nhà máy xi măng Minh Tâm Bình Phước (công suất kế hoạch 2,5 triệu tấn xi măng/năm).

Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (Nguồn: Xuân Thiện Vietnam)

Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (Nguồn: Xuân Thiện Vietnam)

Về sản xuất điện năng, tập đoàn này đang thực hiện đầu tư khai thác khoảng hơn 20 dự án thủy điện trong và ngoài nước như: Thủy điện Suối Sập, Thủy điện Háng Đồng A, Thủy điện Háng Đồng A1 cùng có công suất 88 MW tại Sơn La; Thủy điện Khao Mang Thượng có tổng công suất 62,7 MW tại Yên Bái.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Thiện cùng 6 cá nhân khác có liên quan góp vốn thành lập Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam (Xuân Thiện Việt Nam). Bên cạnh việc sở hữu nhiều nhà máy thủy điện, xi măng tại Việt Nam, công ty này còn đảm nhận nhiệm vụ đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Xuân Thành về các lĩnh vực như: nhà máy thủy điện, nhà máy xi măng, khách sạn nghỉ dưỡng.
Được biết, Xuân Thiện Việt Nam đã sở hữu 2 dự án tại Cameroon là Thủy điện Yabassi và Toumbassala trên sông Wouri và Nkam với tổng công suất gần 600 MW.
Tham vọng với năng lượng tái tạo
Ngoài nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Sup tại Đắk Lắk, Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai đầu tư 3 nhà máy sản xuất thiết bị điện, gồm: Nhà máy thiết bị điện mặt trời tại Hòa Bình (công suất 360MW/năm); nhà máy sản xuất thiết bị điện gió Đắk Lắk (3.000MW/năm) và tỉnh Ninh Thuận (3.000MW/năm). Chiến lược của tập đoàn này là trở thành nhà đầu tư hàng đầu về năng lượng sạch tại Việt Nam và quốc tế.
Cụ thể, Xuân Thiện Ninh Bình thông qua 2 công ty thành viên là CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận và CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc thực hiện dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích là 256,4ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc đã hòa lưới điện vào ngày 25/2/2020.
Tháng 5/2016, Xuân Thiện Ninh Bình còn gây xôn xao với đề xuất xây dựng Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng (tổng vốn đầu tư 24.500 tỷ đồng). Đề nghị này đã bị bác bỏ do những lo ngại tác động xấu đến môi trường, thay đổi hệ sinh thái khu vực đồng bằng sông Hồng.
Tới tháng 9/2016, Xuân Thiện Ninh Bình bày tỏ muốn đầu tư xây dựng cảng phía Bắc Hà Nội trên sông Hồng (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, diện tích 12ha, công suất 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng tàu trọng tải từ 1.000 – 1.200 tấn.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đang triển khai đầu tư dự án nông nghiệp trên diện tích 3.000ha bãi bồi tại Kim Sơn, Ninh Bình; 100 ha nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong 4 năm trở lại đây biến động khá thất thường, hiệu quả kinh doanh không thực sự tốt.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Xuân Thiện Ninh Bình đạt 3.794 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng gần 1.000 tỷ đồng lên mức 2.229 tỷ đồng.Năm 2019, doanh thu thuần của Xuân Thiện Ninh Bình đạt 958 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước; lãi sau thuế ở mức 214 triệu đồng, trong khi năm 2018 cũng chỉ lãi 180 triệu đồng.