Công ty nhà Cường Đôla bị buộc trả gần 3.000 tỷ đồng

Ngày 11/4, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án xảy ra tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tiến hành công bố bản án, với quyết định hình phạt, trách nhiệm dân sự của các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 

Do có liên quan đến vụ án này nên CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) - doanh nghiệp nhà Cường Đôla bị buộc hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. Cùng với đó,  Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nắm giữ trước đó.

1-1712983590.png
 

Bà Trương Mỹ Lan

Trước đó, tháng 3/2017, dù chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nhưng Quốc Cường Gia Lai đã ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án với CTCP Đầu tư Sunny Island - doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Giá trị chuyển nhượng dự án là 4.800 tỷ đồng. Theo thoả thuận, chậm nhất ngày 10/9/2017, Sunny Island phải thanh toán toàn bộ số tiền này cho Quốc Cường Gia Lai. Đổi lại, Sunny Island giữ các giấy tờ đất đai tổng diện tích 65 ha của dự án mà chủ đầu tư đã đền bù xong.

Tháng 3/2018, Quốc Cường Gia Lai thông báo chấm dứt hợp đồng, đề nghị giao trả hồ sơ đất đai do cho rằng Sunny Island vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, yêu cầu này không được phía Sunny Island đáp ứng.

Tháng 12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Khi Quốc Cường Gia Lai đang chờ VIAC phân xử, Sunny Island gửi đơn tố cáo đến Công an TP.HCM về việc Quốc Cường Gia Lai bán dự án khi chưa hoàn tất đền bù. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết yêu cầu của Sunny Island, TAND TP.HCM được Bộ Công an cho biết, toàn bộ hồ sơ đền bù 65 ha của dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển là tài liệu chứng cứ của vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát.

du-an-khu-dan-cu-bac-phuoc-kien-1712983822.jpg
 

Khu dân cư Bắc Phước Kiển

Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao?

Được thành lập vào năm 1994 (tiền thân là công ty chuyên cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất...). Doanh nghiệp này được dẫn dắt bởi bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ Cường Đôla.

Hiện nay, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã phát triển trở thành một trong những tập đoàn có uy tín trong các lĩnh vực bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng. 

dautukinhtechungkhoanvn-stores-news-dataimages-2024-042024-10-10-in-article-bac-nhu-loan20240410103858-1712983670.jpg
 

Bà Nguyễn Thị Như Loan

Về bất động snả, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai sở hữu khối lượng quỹ đất đang sở hữu tại Trung tâm TP. HCM như Quận 1, 3, 7, Bình Chánh, Nhà Bè…

Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã chính thức đầu tư và phát triển ngành cao su từ năm 2008 tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Để mở rộng quy mô phát triển ổn định và tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã triển khai đầu tư dự án trồng cao tại Campuchia. Tính đến nay Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã đi vào khai thác mủ từ năm 2013 với năng suất 100% trên 7.000 ha.

Về lĩnh vực Thủy điện, năm 2012, tập đoàn đã khai thác 3 tổ máy của dự án thủy điện Lagrai 1 với công suất 10,8 MW. Tiếp nối thành công của dự án thủy điện Lagrai 1, tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư vào dự án thủy điện Lagrai 2; Pleikeo và Anyun Trung.

Về ngành gỗ, tập đoàn Gia Lai đã cung cấp hơn 100.000 m2 gỗ dùng để sản xuất các sản phẩm cửa, kệ bếp, tủ âm tường và nội thất cho các công trình, căn hộ, biệt thự, nhà phố…

Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã thành lập ngành xây dựng năm 2007. Những công trình xây dựng của Quốc Cường Gia Lai đã được hoàn thành với đủ loại hình như văn phòng cho thuê; căn hộ; biệt thự; nhà phố liên kết…

dien-bien-moi-tai-vu-kien-nghin-ty-lien-quan-den-van-thinh-phat-cua-quoc-cuong-gia-lai-qcg-868299-1712983935.png
 

Về hoạt động kinh doanh, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai, khoản phải trả Sunny Island số tiền 2.882,8 tỷ đồng đang được hạch toán trong mục "Phải trả ngắn hạn khác". Số tiền này tương đương khoảng 30% tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai tính đến cuối năm 2023.

Tại thời điểm cuối năm 2023, Quốc Cường Gia Lai có tổng tài sản 9.585 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm, tương đương 364 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm xấp xỉ 79%, tương đương 7.531 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 28 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn vay nợ tài chính đến hơn 4.500 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Trong năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 3 lần so với năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước. 

Mặc dù đón tin bất lợi nhưng cổ phiếu QCG vẫn tăng kịch trần phiên 12/4 lên mức 14.400 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 7 tháng kể trở lại đây. Chỉ tính riêng trong 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng hơn 70% thị giá.